Wednesday, January 16, 2008

Giới thiệu sách " Pháp luật đại cương"

Kể từ lần đầu tiên xuất bản năm 2001 đến nay, sách " Pháp luật đại cương" (Dùng trong các trường ĐH, CĐ, THCN) đã được in tái bản và nối bản nhiều lần, với việc cập nhật và bổ sung liên tục các văn bản pháp luật hiện hành. Tháng 10/2007, sách được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia tái bản lần thứ sáu.



Chủ biên: Thạc sĩ Luật Lê Minh Toàn

Phân công biên soạn:
Thạc sĩ Luật Lê Minh Toàn: Chương I - IV
Thạc sĩ Luật Lê Minh Toàn - Luật gia Lê Minh Thắng: Chương V - XIV


Lời nhà xuất bản
Khoa học nhà nước và pháp luật đại cương nghiên cứu vấn đề nhà nước và pháp luật, bản chất, vai trò xã hội, những quy luật đặc thù, cơ bản nhất của sự xuất hiện, tồn tại và phát triển của chúng; đồng thời nghiên cứu những nét khái quát nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế. Vì vậy, trong những năm qua, khoa học nhà nước và pháp luật đại cương được coi là một môn học chính thức, quan trọng trong chương trình đại học đại cương, đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp...
Ngày 17-1-2003, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 13/2003/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2003 đến năm 2007, khẳng định mục tiêu phổ biến kịp thời, đầy đủ những nội dung pháp luật liên quan đến cuộc sống của các tầng lớp nhân dân, tạo điều kiện để công dân sử dụng pháp luật làm phương tiện, công cụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, của Nhà nước và xã hội. Nâng cao ý thức tự giác, chủ động tìm hiểu và chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân. Chương trình phổ biến giáo dục pháp luật từ năm 2003-2007 tập trung vào các đối tượng khác nhau, như: học sinh, sinh viên; cán bộ, công chức; các tầng lớp nhân dân (nông dân, phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số); người lao động...
Nhằm góp phần phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng những kiến thức cơ bản về nhà nước và pháp luật cho học sinh, sinh viên; cung cấp thêm tài liệu nghiên cứu, tham khảo cho các giảng viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản lần thứ năm có sửa chữa, bổ sung cuốn sách Pháp luật đại cương (Dùng trong các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp) của tập thể tác giả do ThS. Lê Minh Toàn chủ biên.
Trong lần tái bản này, các tác giả đã cập nhật, bổ sung theo Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh cán bộ, công chức ngày 29-4-2003; các luật: Luật doanh nghiệp nhà nước, Luật hợp tác xã, Luật đất đai, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật phá sản doanh nghiệp, Luật thương mại năm 2005, Luật cạnh tranh, Bộ luật dân sự năm 2005, Luật doanh nghiệp năm 2005, Luật đầu tư năm 2005, Luật Chứng khoán 2006, Luật bảo hiểm xã hội 2006, Bộ luật lao động (sửa đổi) 2006... được Quốc hội khoá XI thông qua trong các năm 2003 - 2007.
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia và tập thể tác giả rất mong bạn đọc đóng góp ý kiến để tiếp tục hoàn thiện cuốn sách trong những lần xuất bản tiếp theo.

Tháng 08 năm 2007
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia




Lời nói đầu
Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương tăng cường giáo dục pháp luật trong các nhà trường thông qua các chương trình môn học, giáo trình, tài liệu giảng dạy pháp luật đảm bảo đúng tinh thần và nội dung của Hiến pháp và pháp luật hiện hành. Vì vậy môn học pháp luật đại cương là một môn học quan trọng trong chương trình đào tạo đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt trong đề cương chương trình chung và được đưa vào giảng dạy chính thức tại các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp trong cả nước.
Đây là môn học cung cấp những kiến thức cơ bản nhất về nhà nước và pháp luật, các ngành luật cơ bản của hệ thống pháp luật Việt Nam cho sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng. Với học sinh các trường trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, môn học này còn đảm bảo tính kế tiếp, tính liên thông giữa giáo dục phổ thông, giáo dục chuyên nghiệp và giáo dục đại học (Quyết định số 2080/GD-ĐT ngày 24-5-1996 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Ngày 17-1-2003, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 13/2003/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2003 đến năm 2007, khẳng định mục tiêu phổ biến kịp thời, đầy đủ những nội dung pháp luật liên quan đến cuộc sống của các tầng lớp nhân dân, tạo điều kiện để công dân sử dụng pháp luật làm phương tiện, công cụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, của Nhà nước và xã hội. Nâng cao ý thức tự giác, chủ động tìm hiểu và chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân. Chương trình phổ biến giáo dục pháp luật từ năm 2003-2007 tập trung vào các đối tượng khác nhau, như: học sinh, sinh viên; cán bộ, công chức; các tầng lớp nhân dân (nông dân, phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số); người lao động...
Thời gian qua đã có nhiều các bộ luật, đạo luật đã được Quốc hội sửa đổi, bổ sung, ban hành mới trong thời gian từ năm 1996 đến năm 2005 như: Bộ luật hình sự 1999, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật hôn nhân và gia đình năm 2000; Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật lao động năm 2002, Pháp lệnh cán bộ, công chức sửa đổi năm 2003; các luật: Luật doanh nghiệp nhà nước, Luật hợp tác xã, Luật đất đai, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật phá sản doanh nghiệp, Luật thương mại năm 2005, Luật cạnh tranh, Bộ luật dân sự năm 2005, Luật doanh nghiệp năm 2005, Luật đầu tư năm 2005, Luật chứng khoán 2006 Luật bảo hiểm xã hội 2006, Bộ luật lao động (sửa đổi) 2006... được Quốc hội khoá XI thông qua trong các năm 2003 - 2007.
Cuốn sách “Pháp luật đại cương” được biên soạn xuất phát từ chính những tồn tại nêu trên và với các mục tiêu, yêu cầu sau đây:
- Giúp cho học sinh, sinh viên có sự hiểu biết và nắm bắt một cách có hệ thống những vấn đề cơ bản về nhà nước và pháp luật nói chung và các ngành luật cụ thể của hệ thống pháp luật Việt Nam nói riêng. Giúp cho học sinh, sinh viên có điều kiện dễ dàng tiếp cận với các môn học khác có liên quan đến pháp luật.
- Xây dựng ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật của mỗi cá nhân. Trên cơ sở đó giúp cho mỗi cá nhân hình thành nên ý thức và thói quen xử sự phù hợp với quy định của pháp luật.
- Thể hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc tăng cường giáo dục pháp luật ở mỗi cá nhân công dân, xây dựng ”Tủ sách pháp luật” tại các xã, phường và thị trấn; điểm bưu điện văn hoá xã.
Để hoàn thành cuốn sách, chúng tôi đã nhận được sự đóng góp và nhận xét của các đồng nghiệp công tác tại các cơ quan: Viện Nghiên cứu nhà nước và pháp luật, Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội; Trường đại học Luật, Học viện Hành chính quốc gia; Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh... Chúng tôi xin chân thành cảm ơn Nhà xuất bản Chính trị quốc gia đã giúp đỡ trong việc biên tập và tái bản kịp thời cuốn sách này.

Hà Nội, tháng 08 năm 2007
Thay mặt tập thể tác giả
ThS. Luật Lê Minh Toàn
email: banbientapsachphapluatdaicuong@gmail.com


Mục lục



Phần thứ nhất: Những vấn đề chung về nhà nước và pháp luật

Chương I. Những vấn đề cơ bản về nhà nước và pháp luật
1. Những vấn đề cơ bản về nhà nước
2. Những vấn đề cơ bản về pháp luật

Chương II. Quy phạm pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật
1. Quy phạm pháp luật
2. Văn bản quy phạm pháp luật

Chương III. Quan hệ pháp luật
1. Khái niệm và phân loại quan hệ pháp luật
2. Thành phần của quan hệ pháp luật

Chương IV. Vi phạm pháp luật, trách nhiệm pháp lý, pháp chế xã hội chủ nghĩa
1. Vi phạm pháp luật
2. Trách nhiệm pháp lý
3. Pháp chế xã hội chủ nghĩa

Phần thứ hai: Các ngành luật cơ bản của hệ thốngpháp luật Việt Nam

Chương V. Luật nhà nước Việt Nam
1. Khái niệm luật nhà nước
2 Một số nội dung cơ bản của Hiến pháp 1992

Chương VI. Luật hành chính Việt Nam
1. Khái niệm luật hành chính
2. Quan hệ pháp luật hành chính; trách nhiệm hành chính; vi phạm hành chính và xử lý vi phạm hành chính
3. Cán bộ, công chức
4. Toà án hành chính

Chương VII. Luật hình sự và Luật tố tụng hình sự
1. Khái niệm luật hình sự
2. Khái niệm tội phạm, cấu thành tội phạm và trách nhiệm hình sự
3. Hình phạt và các biện pháp tư pháp
4. Luật tố tụng hình sự

Chương VIII. Luật dân sự và Luật tố tụng dân sự
1. Khái luận chung
2. Một số chế định cơ bản của luật dân sự
3. Luật tố tụng dân sự

Chương IX. Luật hôn nhân và gia đình
1. Khái quát chung về Luật hôn nhân và gia đình
2. Một số chế định cơ bản của Luật hôn nhân và gia đình

Chương X. Luật lao động
1. Khái niệm Luật lao động
2. Các chế định cơ bản của Luật lao động

Chương XI. Luật kinh tế
1. Khái niệm pháp luật kinh tế và pháp luật kinh doanh
2. Pháp luật về các loại hình doanh nghiệp
3. Pháp luật về phá sản doanh nghiệp
4. Pháp luật về giải quyết tranh chấp trong kinh doanh

Chương XII. Luật đất đai
1. Khái quát chung
2. Quyền của Nhà nước đối với đất đai và quản lý nhà nước về đất đai
3. Chế độ sử dụng các loại đất
4. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đát
V. Thủ tục hành chính về quản lý và sử dụng đất đai
VI. Giải quyết tranh chấp về đất đai